1. 36 phong tục tập quán người Hà Nội
Hà Nội gắn liền với những tục lệ mang đậm chất văn hóa truyền thống. Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi những phong tục tập quán nơi đây đã trở thành nét đặc sắc và độc đáo của văn hóa Hà Nội.
Cuốn sách 36 phong tục tập quán người Hà Nội của tác giả Vũ Ngọc Khánh được ví như cuốn cẩm nang vô cùng hữu ích cho những ai muốn tìm hiểu về những nét đặc trưng văn hóa - văn hóa vật chất cũng như văn hóa tinh thần của Thăng Long - Hà Nội. Tác phẩm ghi dấu ấn bằng sự kết hợp giữa tư liệu và trải nghiệm riêng của tác giả, phản ánh khá đầy đủ những phong tục, thú chơi, lề thói, cách ăn mặc, và cả những bộ môn nghệ thuật vốn của đất Hà thành. Đâu đâu cũng thấy những nét kiến trúc độc đáo, tạo nên những trung tâm tinh thần để tôn vinh các vị anh hùng dân tộc và trở nên một Việt Điện Thăng Long - Thăng Long có ca trù, có tranh Đông Hồ, có những thú vui chơi dân dã làm say đắm lòng người, tỏa sáng những yếu tố chân - thiện - mỹ…
Sách bao gồm 10 phần chính:
- Phần 1: Một phong tục độc đáo.
- Phần 2: Thăng Long bát cảnh.
- Phần 3: Thăng Long tam thập vịnh.
- Phần 4: Thế nào là Hà Thành thập tam trại.
- Phần 5: Tục thờ cúng tổ tiên.
- Phần 6: Tục làm ngày giỗ.
- Phần 7: Tục thờ các thần linh trong một gia đình.
- Phần 8: Tục làm lễ mừng trong vòng đời người.
- Phần 9: Tục ăn Tết.
- Phần 10: Các tục lệ hay trong ngày Tết.
Cuốn sách của tác giả do nhà xuất bản Thanh niên ấn hành năm 2010 với 179 trang hiện đang ở phòng Đọc và phòng Mượn của Thư viện Hà Nội.
Thông tin xếp giá: DM15747, M118704, M118707, M118708, M118709, VL36756, VL36757
|
2. Hà Nội xưa và nay
Hà Nội xưa và nay được chia làm hai phần chính: Phần “Hà Nội xưa” ghi từ cuối thời kỳ phong kiến đến Cách mạng Tháng Tám; phần “Hà Nội nay” ghi những sự kiện từ Cách mạng Tháng Tám đến kỳ họp Quốc hội nước Việt Nam thống nhất ngày 24 - 6 - 1976.
Trong gần 390 trang viết tác giả đã ghi lại bao nét thay đổi của Hà Nội xưa và nay. Từ những phong tục tập quán và nếp sinh hoạt của người Hà Nội dưới thời phong kiến, nét ăn mặc, ở, đi lại của người Thăng Long - Hà Nội; các di tích ở Kinh Đô đến đình, chùa, đền, miếu ở các làng quê; các lễ tết trong năm và điều kiêng kỵ trong những ngày Tết Nguyên đán. Sách còn nói về thể lệ, những cấm kỵ của kỳ thi hương, thi hội, qua đó, giúp bạn đọc hiểu ra nhiều điều mà trước đó đã bị hiểu sai. Chẳng hạn như câu “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, hóa ra chỉ sự đón tiếp các sĩ tử mỗi khi họ vào trường thi. Có một thời Hà Nội hay nói đến “còi tầm”, “làm thông tầm”, ấy là do trước đây ở phố Hàng Trống có cửa hàng bán đồ cũ, cứ vào ngày thứ sáu và thứ bảy là ông chủ thuê một người đeo trống trước bụng đi khắp phố đánh trống rao bán hàng. Chiếc trống cái, tiếng Pháp là “tam tam”, ta gọi luôn là “tầm tầm”...
Cuốn sách của tác giả Bạch Diện, Nguyễn Văn Cư do nhà xuất bản Hội nhà văn xuất bản năm 2015 với 397 trang hiện đang được phục vụ tại phòng Đọc, phòng Mượn của Thư viện Hà Nội.
Thông tin xếp giá: M151330, M151331, M151332, PM039485, VV013088, VV78041
|
3. Hội hè lễ tết của người Việt
Lễ - Tết của người Việt Nam có ý nhĩa nhân văn vô cùng sâu sắc, thể hiện sự trường tồn cuộc sống, khao khát của con người về sự hài hòa Thiên - Địa - Nhân. Lễ - Tết còn là sự biểu hiện của mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên trong tinh thần văn hóa nông nghiệp; với gia tộc và xóm làng trong tính cộng đồng dân tộc; với niềm tin thiêng liêng, cao cả trong đời sống tâm linh…
Hội hè lễ tết của người Việt tập hợp những tiểu luận nghiên cứu của cố học giả Nguyễn Văn Huyên về lễ - tết - hội, về tín ngưỡng, tâm thức tôn giáo của người Việt trong xã hội truyền thống. Các tiểu luận này được ông viết bằng tiếng Pháp trong khoảng thời gian ông làm việc tại Viện Viễn Đông Bác cổ từ năm 1938. Từng trang sách đem đến những mảng màu phong phú của văn hóa, phong tục Việt: các ngày lễ trong năm như Tết Nguyên đán, Tết Đoan ngọ, Tết Trung thu,...; các lễ hội của một cộng đồng như hội Phù Đổng, vấn đề thành hoàng; tục thờ thần tiên, y phục Việt, tục thờ người chết,...
Hội hè lễ tết của người Việt sẽ cho ta trở lại đắm mình trong không khí của Tết Nguyên đán, Tết Thanh Minh, Tết Đoan Ngọ, Tết Trung thu…, cho ta hình dung rõ ràng và như được tham dự Lễ hội Phù Đổng. Những điều đặc biệt khác, như tục thờ cúng thần tiên, sự có mặt khắp chốn của thành hoàng làng, các húy kỵ sinh và tử, sự phong nhiêu của thần tiên gốc Việt…, cũng sẽ được tác giả mô tả, phân tích hết sức sinh động, tinh tế và khoa học.
Bởi luôn lắng nghe và suy tư về cỗi gốc dân tộc mình nên những trang viết của Nguyễn Văn Huyên, sau hơn bảy mươi năm, vẫn có thể mời gọi mọi độc giả Việt hôm nay cùng đọc lại, nghĩ suy và tiếp nối hành trình đối thoại, thông hiểu lẫn nhau.
Cuốn sách của tác giả Nguyễn Văn Huyên được nhà xuất bản Thế giới, Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam xuất bản năm 2018. Sách dày 408 trang, khổ 24 cm, hiện đang có trong phòng Đọc và phòng Mượn của Thư viện Hà Nội.
Thông tin xếp giá: DC003947, DM28020, HVL3837, LCL12150, LCL12151, LCL12152, LCL12153, LCL12154, LCL12155, M159900, M159901, PM044044, VL001944, VL52747
|
4. Tản mạn về tín ngưỡng và phong tục truyền thống của người Việt
Tín ngưỡng và phong tục Việt Nam mang giá trị nhân sinh sâu sắc, trở thành sợi dây nối liền con người với con người, có tác dụng liên kết cộng đồng, tạo nên sức mạnh đoàn kết cộng đồng, tạo nên sức mạnh đoàn kết vô cùng to lớn. Lịch sử Việt Nam là lịch sử dựng nước và giữ nước oai hùng, để có được đất nước hoà bình độc lập như ngày hôm nay, cha ông ta đã chiến đấu với những kẻ thù xâm lược hùng mạnh nhất mọi thời đại. Trên cái dải đất “hình ngọn lửa lúc cuồng phong này” lịch sử đã “thành văn trên mình ngựa”. Nhờ đâu mà một dân tộc nhỏ bé lại có sức mạnh phi thường như vậy, đó chính là sức mạnh của văn hoá, của cội rễ, của những gì bền lâu nhất mà con sóng thời gian không thể cuốn đi được. Với ý nghĩa đó, tác giả đã sưu tầm và biên soạn cuốn sách Tản mạn về tín ngưỡng và phong tục truyền thống của người Việt với hy vọng sẽ cung cấp một phần nhỏ lượng tri thức phong phú về văn hoá Việt Nam đến với bạn đọc.
Cuốn sách của tác giả Khai Đăng - sưu tầm và biên soạn do nhà xuất bản Văn hóa thông tin xuất bản năm 2009 với 184 trang hiện đang được phục vụ tại phòng Đọc, phòng Mượn của Thư viện Hà Nội.
Ký hiệu xếp giá: DM12820, DM12821, M114100, M114101, M114102, M114103, VL33825, VL33826
|
5. Tết trong đời sống tâm linh người Việt
Với tâm thức của người Việt, Tết Nguyên đán rất có ý nghĩa. Chúng ta đang rất cần phát triển gia đình trong xã hội hiện nay bởi gia đình vốn là một tế bào của xã hội. Xã hội ngày nay có những đổi thay nên dường như gia đình hiện nay gặp nhiều thử thách .Vì thế để để củng cố lại gia đình - hạt nhân của xã hội thì Tết đóng vai trò vô cùng quan trọng. Vào dịp Tết, dù ai đi đâu vẫn cố tìm nhà về để đoàn tụ gia đình. Ý nghĩa của hai tiếng gia đình còn được thể hiện trong bữa cơm ngày 30 Tết, ở bàn thờ tổ tiên, ở việc mừng tuổi…
Và Tết còn được xem là một ngày tốt đẹp nên một trong những ý nghĩa Tết Nguyên đán chính là dịp giao hòa giữa trời đất, con người với thần linh. Do đó, nhiều người tin tưởng rằng những ý nghĩa, mong ước hay hành động của mình sẽ được tất cả các vị chư thần nghe thấy, thấu hiểu và ban phước lành cho bản thân cũng như gia đình mình. Bởi vì thế, cho nên trong dịp Tết Nguyên đán người ta thường làm rất nhiều việc thiện như tặng quần áo mới, chia sẻ miếng ăn, giúp đỡ người nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn…
Không những vậy, ngày Tết Nguyên đán còn là dịp để mọi người cũng nhau thể hiện sự yêu thương hòa thuận, quan tâm, che chở lẫn nhau và cùng nhau gửi những lời chúc chân thành, tốt đẹp nhất dành cho nhau. Và dĩ nhiên, vào những ngày Tết ấm áp như thế, người lớn lẫn trẻ em đều hạn chế những hiềm khích, cãi vã nhau để tạo nên một không gian hòa thuận, gần gũi trọn vẹn nhất. Bước sang một năm mới thì đồng nghĩa mọi thứ cũng trở nên mới mẻ hơn vì thế mà những mâu thuẫn nên bỏ qua hết và thay bằng lời yêu thương, ấm lòng để trao nhau sự thân thiện, chan hòa.
Cuốn sách Tết trong đời sống tâm linh người Việt được nhà xuất bản Văn hóa xuất bản năm 2008. Sách dày 230 trang, khổ 19cm, hiện đang phục vụ tại phòng Đọc, phòng Mượn của Thư viện Hà Nội.
Thông tin xếp giá: LCV29530, LCV5509, LCV5510, LCV5511, LCV6470, PM.025652, VN.026412
|
6. Việt Nam phong tục toàn biên
“Việt Nam phong tục toàn biên” là công trình tổng hợp, sưu tầm và khảo cứu công phu của Giáo sư Vũ Ngọc Khánh về tập tục, lễ nghi, tâm linh, tín ngưỡng, nếp sống của con người, làng xóm,… những điểm mấu chốt trong các nét đẹp phong tục Việt Nam.
Sách được chia làm hai phần chính:
- Phần I: Tổng quan phong tục Việt Nam.
-Phần II: Diễn xướng dân gian Việt Nam.
Ở phần “Tổng quan phong tục Việt Nam”, tác giả dành nhiều trang phân tích phong tục với chủ đề con người và cuộc sống, từ chuyện ăn-mặc-ở, các lễ tục trong vòng đời như: quan hôn, tang tế, chuyện cưới hỏi, ma chay, tín ngưỡng thờ cúng, đời sống tâm linh…cho tới các bình diện: phép vua lệ làng, sưu thuế, hương ước, chuyện vua quan, đạo thầy trò, việc học tập thi cử,…Phần “Diễn xướng dân gian Việt Nam” lại giới thiệu rất nhiều các điệu hát, điệu hò, các trò diễn xướng, các lễ hội lớn của dân tộc.
Cuốn sách đã phác vẽ lên một bức tranh về đời sống tinh thần và các phong tục Việt Nam vô cùng phong phú, mang đậm bản sắc dân tộc và không thể lẫn với bất kỳ quốc gia nào khác.
Cuốn sách của tác giả Vũ Ngọc Khánh được nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin ấn hành năm 2012, sách dày 707 trang. Sách hiện đang được phục vụ tại Phòng Đọc và Phòng Mượn của Thư viện Hà Nội.
Thông tin xếp giá: M139198, M139199, PM033070, VL48543, VL48544, VV009777
|
7. Việt Nam phong tục
Phan Kế Bính là một trong những nhà Nho đầu tiên có công dùng chứ quốc ngữ để nghiên cứu, dịch thuật, giới thiệu văn hóa Việt Nam cho thế hệ bạn đọc mới và có những đóng góp đáng kể vào sự nghiệp phát triển ngôn ngữ tiếng Việt.
Việt Nam phong tục là biên khảo nổi tiếng nhất của Phan Kế Bính, tập hợp nhiều bài viết về phong tục Việt Nam của ông đăng trên Đông Dương tạp chí vào những năm 1913 và 1914. Tác phẩm giống như một bức tranh toàn diện về phong tục, tập quán cũ của người Việt, từ phong tục trong gia đình, làng xã đến phong tục quốc gia, xã hội. Phan Kế Bính không chỉ mô tả từng tập tục mà còn lần về gốc tích, xem nó hay hay dở, từ đó “xét điều gì quá tệ mà bỏ bớt đi, rồi lâu lâu mới đem cái tục hay mà bổ hết cho cái tục dở. Còn tục gì hay mà là quốc túy của ta thì cứ giữ lấy”.
Tác phẩm giúp bạn đọc hiểu sâu sắc hơn về văn hóa dân tộc mình, đề cao tinh thần dân tộc, những nét đẹp văn hóa Việt Nam, là nguồn tư liệu quý cho những ai muốn tìm hiểu về phong tục cũng như văn hóa đời sống của người Việt xưa.
Cuốn sách của tác giả Phan Kế Bính của nhà xuất bản Hồng Đức, Nhã Nam với gần 100 minh hoạ sống động của hoạ sĩ Bùi Ngọc Thuỷ được ấn hành năm 2015 với 297 trang, khổ 24cm hiện đang được phục vụ tại phòng Mượn, phòng Đọc của Thư viện Hà Nội.
Ký hiệu xếp giá: M147229, M147230, PM037187, VL000444, VL50679, VL50680
|