1. Hà Nội mở đầu kháng chiến toàn quốc - Tầm vóc và ý nghĩa. - In lần thứ 2. - H.: Quân đội nhân dân, 2004. - 396tr.; 21cm
“Hà Nội mở đầu kháng chiến toàn quốc - tầm vóc và ý nghĩa” do Viện Lịch sử quân sự - Quân khu Thủ đô Hà Nội xuất bản năm 2004 nhân kỷ niệm 50 năm Giải phóng thủ đô (1954 - 2004).
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tiếng súng hiệu lệnh vào 20 giờ ngày 19/12/1946, quân dân Thủ đô Hà Nội đã mở đầu kháng chiến toàn quốc. Dù lực lượng chênh lệch, vũ khí thô sơ chống lại kẻ địch tinh nhuệ được trang bị hiện đại, nhưng với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, đồng bào, chiến sĩ ta vẫn kiên cường bám trụ, giành với địch từng căn nhà, từng góc phố. Trải qua 60 ngày đêm liên tục chiến đấu, quân và dân Thủ đô đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra (tiêu hao, giam chân địch trong thành phố, tạo điều kiện di chuyển các cơ quan, kho tàng, tổ chức nhân dân tản cư về vùng căn cứ xây dựng thế trận kháng chiến lâu dài), lực lượng ta chủ động rút về hậu phương an toàn.
Với những chất liệu lịch sử chân thật, sống động, cuốn sách giúp độc giả hiểu những khó khăn vất vả của quân và dân ta khi thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt và giam chân một bộ phận lớn quân địch trong Thành phố, làm thất bại chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp. Đồng thời giúp độc giả hiểu rõ thêm một phần nghệ thuật mở đầu chiến tranh, tầm vóc vĩ đại của cuộc kháng chiến và những bài học kinh nghiệm xương máu trong chiến đấu, tạo nền tảng cho những chiến công oanh liệt về sau để đi đến thắng lợi kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc.
Ký hiệu kho: HVL1264, HVL1265, TLVL380 - TLVL384, M95850, M95852, VL24086, VL24087, M95850, M95852, VL24086, VL24087
|
2. Lời thề quyết tử / Phạm Kim Thanh.- H.: Thanh niên, 2016. - 385tr.: ảnh; 21cm
Kỷ niệm 70 năm Hà Nội mở đầu kháng chiến toàn quốc, Thạc sĩ sử học Phạm Kim Thanh cho ra mắt cuốn “Lời thề quyết tử”, với mong muốn gửi đến các bạn trẻ thông điệp và giá trị của lịch sử bắt đầu từ chân dung những con người trong một thời kỳ đặc biệt - Hà Nội từ sau ngày Tổng khởi nghĩa mùa Thu năm 1945 đến mùa Đông năm 1946 khi Hà Nội mở đầu toàn quốc kháng chiến.
Sách được chia làm hai phần:
- Phần 1: Xây dựng và bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân, chuẩn bị kháng chiến, gồm 13 chân dung tiêu biểu như các đồng chí Tạ Quang Chiến, Văn Cao, Trần Duy Hưng, Hoàng Thị Minh Hồ, Trần Thị Hoa, GS. Dương Quảng Hàm, Liệt sĩ Cao Tự Cường…
- Phần 2: Bản anh hùng ca bất tử, gồm 21 chân dung như Bí thư Khu ủy Khu XI Nguyễn Văn Trân, Phó Bí thư Lê Quang Đạo, Chỉ huy trưởng mặt trận Hà Nội Vương Thừa Vũ, Chính ủy Trung đoàn Thủ đô Lê Trung Toản, Tham mưu trưởng Hoàng Phương … và Đội liên lạc Nguyễn Ngọc Nại đã chiến đấu, hy sinh tại Tàm Xã để bảo vệ Trung đoàn rút khỏi Hà Nội an toàn.
Ký hiệu kho: DC003893, DM26435, HVL3787, M155593, M155594, PM041451, VV014309, VV79512
|
3. Mở đầu toàn quốc kháng chiến / Vũ Như Khôi, Đào Trọng Cảng: chủ biên. - H.: Quân đội nhân dân, 2006. - 592tr.; 21cm
“Mở đầu toàn quốc kháng chiến” mang đến cho độc giả những thông tin về thời kỳ toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp. Cuốn sách trình bày diễn biến cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Hà Nội, Nam Bộ, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng…; Tình hình Hà Nội trước ngày toàn quốc kháng chiến, kế hoạch tác chiến và công tác chuẩn bị kháng chiến, diễn biến 60 ngày đêm chiến đấu của quân và dân thủ đô Hà Nội; Các tư liệu văn kiện của Đảng về toàn quốc kháng chiến và Chủ tịch Hồ Chí Minh với toàn quốc kháng chiến.
Cuốn sách gồm 3 phần:
- Phần 1: Toàn quốc kháng chiến
- Phần 2: 60 ngày đêm chiến đấu của quân và dân thủ đô Hà Nội mở đầu toàn quốc kháng chiến
- Phần 3: Các tư liệu của Đảng và chủ tịch Hồ Chí Minh về toàn quốc kháng chiến
Ký hiệu kho: HVL1990, HVL1991, HVL1916, HVL1917, PM.023726, VN.025192, DM6432, DM6433, M103496, M103497, VL28945
|
4. Quyết tử để cho Tổ quốc quyết sinh/ Lê Trung Toản. - H.: Nxb. Hà Nội, 2000. - 394tr.; 21cm
“Quyết tử để cho Tổ quốc quyết sinh” là lời thề của các chiến sĩ cảm tử quân, cũng là lời thề của quân và dân Hà Nội cùng nhân dân cả nước chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai, nhằm bảo vệ thành quả Cách mạng tháng Tám, bảo vệ Thủ đô.
Trung thành với lời thề đó, quân dân Liên khu I đã bám trụ chiến đấu kiên cường trong thành phố, giữa vòng vây của kẻ thù, suốt 60 ngày đêm ròng rã, viết tiếp những trang sử hào hùng của Thăng Long - Hà Nội.
Sau hơn nửa thế kỷ, nhìn lại cuộc chiến đấu thần kỳ, đồng chí Lê Trung Toản, nguyên Chủ tịch Ủy ban kháng chiến, kiêm Bí thư Đảng ủy Liên khu phố I và là Chính ủy Trung đoàn Thủ đô đã viết tập hồi ký với tất cả tâm huyết, tình cảm và sự hiểu biết của mình.
Cuốn sách “Quyết tử để cho Tổ quốc quyết sinh” được biên soạn công phu, với nguồn tư liệu phong phú, cụ thể đã tái hiện khá đầy đủ về cuộc chiến đấu 60 ngày đêm của quân, dân Liên khu phố I, góp phần minh chứng thêm cho những công trình lịch sử của thành phố, khơi dây niềm tự hào, truyền thống vẻ vang của quân và dân thủ đô Hà Nội.
Ký hiệu kho: HVL966
|
5. Những người cảm tử Kể chuyện chiến đấu ở liên khu I - Hà Nội . - H.: Nxb. Hà Nội, 2000. - 198tr.; 21cm
Cuốn sách “Những người cảm tử Kể chuyện chiến đấu ở liên khu I - Hà Nội” giúp cho mọi tầng lớp nhân dân nhất là thế hệ thanh, thiếu niên, học sinh hiểu rõ hơn quá khứ chiến đấu anh dũng, hào hùng của quân, dân Liên khu I - Hoàn Kiếm trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Cuốn sách gồm 8 chương:
- Chương I: Đây, Thăng Long
- Chương II: Trọng trách
- Chương III: 19 - 12 - 1946
- Chương IV: Từng bờ tường, góc phố
- Chương V: Trung đoàn Liên khu I - Hà Nội
- Chương VI: Đội cảm tử
- Chương VII: Những ngày quyết liệt
- Chương VIII: Hẹn một ngày về
Ký hiệu kho: HVL874
|
6. Liên khu II những ngày đầu thủ đô kháng chiến: Hồi ký chiến đấu. - H.: Ban liên lạc cán bộ kháng chiến Liên khu II - Hà Nội, 1996. - 312tr.; 19cm
“Liên khu II những ngày đầu thủ đô kháng chiến: Hồi ký chiến đấu” là tác phầm của một số đồng chí Cựu chiến binh đã trực tiếp tham gia chiến đấu tại Liên khu II. Cuốn sách ra mắt nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/1996) với mong muốn cung cấp thông tin về tình hình, nhiệm vụ của Liên khu 2, diễn biến chiến đấu từ 19/12/1946 đến 17/2/1947 và hồi ký một số trận chiến đấu oanh liệt của quân và dân Liên khu 2 trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp.
Cuốn sách gồm 4 phần lớn:
- Phần I: Liên khu II ra đời và khẩn trương chuẩn bị chiến đấu
- Phần II: Diễn biến chiến sự
- Phần III: Những câu chuyện kể
- Phần IV: Đôi điều suy ngẫm
Cuốn sách góp phần vào việc nghiên cứu, tìm hiểu thêm về truyền thống đấu tranh cách mạng của cán bộ và nhân dân quận Hai Bà Trưng trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến.
Ký hiệu kho: HVV4048, HVV4056, HVV3575
|
7. Liên khu II những ngày đầu thủ đô kháng chiến: Hồi ký chiến đấu. T. 2 . - H.: Nxb. Hà Nội, 2001. - 386tr.; 21cm
Cuộc chiến đấu 60 ngày đêm (19/12/1945 - 19/2/1947) của quân dân Hà Nội mở đầu Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược thành công ghi dấu một mốc son sáng chói trong lịch sử đương đại của Thủ đô và cả nước.
Quân dân Liên khu II bằng những nỗ lực vượt bậc trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, với nhiều hy sinh gian khổ nhưng cũng đầy tinh thần lạc quan cách mạng và niềm tin chắc thắng vào sự nghiệp chính nghĩa cao đẹp đã góp phần quan trọng trong “Đại thắng lợi” chung của Thành phố.
Nhân kỷ niệm 55 năm toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2001), Ban Liên lạc cán bộ kháng chiến Liên khu II Hà Nội tiếp tục cho ra mắt bạn đọc tập hồi ký “Liên khu II những ngày đầu thủ đô kháng chiến” - Tập 2, bổ sung thêm những nội dung quyển 1 chưa đề cập, cụ thể là về các đơn vị tham chiến, về các trận đánh nổi bật đã được Bộ Tư lệnh Quân khu tổng kết, về chiến công của một số đồng chí chiến sĩ đã khuất và những hồi ức của các đồng đội lần này mới tham gia viết bài.
Ký hiệu kho: HVL883, HVL884
|
8. Cuộc chiến đấu của mặt trận Liên khu III Đống Đa - Hà Nội . - H. : Nxb Hà Nội, 2006. - 455tr. ; 21cm
Trong 60 ngày đêm khói lửa bảo vệ Thủ đô chống thực dân Pháp xâm lược, Liên khu III - Đống Đa đã cùng với Liên khu II phối hợp chiến đấu mật thiết với Liên khu I theo kế hoạch trong đánh ra, ngoài đánh vào của Khu XI (Hà Nội). Quân dân Liên khu III Đống Đa đã chiến đấu anh dũng và sáng tạo, góp phần xứng đáng vào chiến công chung của Thủ đô.
Cuốn sách “Cuộc chiến đấu của mặt trận liên khu III Đống Đa - Hà Nội” bao gồm những tư liệu cùng hồi ký cá nhân của các cán bộ, chiến sĩ của mặt trận Liên khu I, II và vành đai ngoại thành góp phần tái hiện trọn vẹn thiên anh hùng ca của Thủ đô Hà Nội, làm rõ hơn cuộc kháng chiến của quân dân Liên khu III - Đống Đa trong 60 ngày đêm khói lửa của Hà Nội, làm rõ hơn sự phối hợp chiến đấu chặt chẽ giữa Liên khu III - Đống Đa với Liên khu I và tác dụng của sự phối hợp đó đối với thắng lợi chung của 60 ngày đêm chiến đấu…
Ký hiệu kho: HVL2209
|
9. Hào khí Thăng Long - Hà Nội thời đại Hồ Chí Minh/ Nguyễn Duy Tường, Chu Thanh Hải: biên soạn. - H.: Quân đội nhân dân, 2010. - 198tr.; 21cm
Cuốn sách “Hào khí Thăng Long - Hà Nội thời đại Hồ Chí Minh” là tập hợp những sự kiện tiêu biểu nhất trong lịch sử đấu tranh cách mạng, chống ngoại xâm của Hà Nội từ ngày có Đảng và Bác Hồ lãnh đạo. Đó là Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 tại Hà Nội; là cuộc chiến đấu 60 ngày đêm khói lửa vào cuối năm 1946 của quân dân Hà Nội với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, và “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đánh thắng cuộc tập kích chiến lược đường không của đế quốc Mỹ cuối năm 1972, qua đó khẳng định “Hà Nội là Thủ đô của phẩm giá con người”.
Sách gồm các nội dung sau:
* Hà Nội với Cách mạng Tháng Tám
I. Chuẩn bị Tổng khởi nghĩa
II. Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội
* Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh
I. Hà Nội 60 ngày đêm chiến đấu mở đầu kháng chiến toàn quốc
II. Chiến thắng 60 ngày đêm với ba liên khu ở Hà Nội.
* Hà Nội - "Điện Biên Phủ trên không"
I. Hà Nội "đêm trước" những ngày tháng Chạp 1972
II. Chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không"
Chỉ với ba sự kiện trên đã phần nào cho chúng ta thấy được hào khí Thăng Long - Hà Nội gần một thế kỷ qua. Mỗi sự kiện trong trang sách là tâm huyết của một thế hệ cầm súng, xả thân mình để gìn giữ hòa bình, độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Ký hiệu kho: HVL2616, HVL2617, VL36129, VL36130, DM15305, M117776, M117777, M117778
|
10. Sông Hồng cuộn sóng. - H. : NXB. Hà Nội, 2007. - 348tr.; 21cm
“Sông Hồng cuộn sóng” gồm hơn 40 bài viết, hồi ký về những câu chuyện về một thời kỳ lịch sử mà những nhân vật là những con người còn rất trẻ, những chàng trai, cô gái Hà Nội với tinh thần giác ngộ cách mạng kiên trung. Tuổi trẻ của họ trở nên sôi nổi và có ý nghĩa vì được sống giữa cuộc biến đổi lớn của đất nước, của dân tộc, của Thủ đô Hà Nội.
Với lòng yêu nước thiết tha và tinh thần quật khởi chống quân xâm lược, những người con Hà Nội đã sống, cống hiến và cháy hết mình để chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Thủ đô Hà Nội với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, làm nên thành công của cuộc Cách mạng tháng Tám, ghi dấu vào bản anh hùng ca bất tử mùa Đông năm 1946. Sách đã phác họa được những nét chính trong cuộc chiến đấu của nhân dân và lực lượng vũ trang của Thủ đô anh hùng.
Sông Hồng cuộn sóng gồm 3 phần:
- Phần một: Hà Nội rợp trời vàng sao
- Phần hai: Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh
- Phần ba: Hà Nội vùng đứng lên
Ký hiệu kho: HVL3513, HVL3514
|
11. Tám trận đánh nổi tiếng đất Hà Thành/ Nguyễn Sinh Thủy. - H.: Nxb. Hà Nội, 2019. - 187tr.; 21cm. - ( Tủ sách 1000 năm Thăng Long ).
“Tám trận đánh nổi tiếng đất Hà Thành”của Đại tá, nhà văn Nguyễn Sinh Thủy (Cục Quân huấn, Bộ Tổng tham mưu) viết về 8 trận đánh nổi tiếng trên địa bàn Thăng Long - Hà Nội.
Trong tám trận đánh nổi tiếng có viết về “Trận quân Pháp đánh úp thành Hà Nội lần thứ 3” từ ngày 19/12/1946 - 17/2/1947. Đây chính là trận chiến 60 ngày đêm khói lửa khiến giặc Pháp phải kinh hoàng trước tinh thần chiến đấu vô cùng anh dũng, sức kiên trì, bền bỉ, chịu đựng hy sinh, gian khổ của quân dân Hà Nội. Chiến công của trận đánh không chỉ là niềm kiêu hãnh, tự hào của Đảng bộ và quân dân Hà Nội anh hùng mà còn là niềm kiêu hãnh, tự hào chung của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Ký hiệu kho: DC004125, HVV4721, KTB010653, M169677, M169678, PM049821, TB006714, TB006715, VV019538, VV84806
|