Thứ năm, Ngày: 26/12/2024

GIỚI THIỆU CUỐN SÁCH: HÀ NỘI THỜI CẬN ĐẠI - TỪ NHƯỢNG ĐỊA ĐẾN THÀNH PHỐ (1873 - 1945)

10/12/2024 Cỡ chữ: A-   A+  In bài viết

Cuốn sách “Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945)” của Tiến sĩ Đào Thị Diến là một công trình nghiên cứu công phu và toàn diện, dựa trên các tài liệu lưu trữ quốc gia để tái hiện quá trình “thay đổi” của Hà Nội trong giai đoạn bản lề định hình diện mạo thủ đô. Tác phẩm gồm 40 bài viết được tuyển chọn từ các báo cáo khoa học và bài viết của tác giả đã đăng trên các báo, tạp chí và trang web của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, do Nhã Nam và Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2024.

Nội dung cuốn sách được chia thành hai phần chính:

Phần I gồm 5 bài viết về thời kỳ bi tráng trong lịch sử cận đại Việt Nam (1873-1897) qua các sự kiện thành Hà Nội bị quân đội thực dân Pháp tấn công, chiếm đóng. Phần này tập trung vào các sự kiện: hai cuộc tấn công thành Hà Nội của quân đội Pháp (1873, 1882), sự chiếm đóng và thay đổi chức năng khu vực trung tâm thành phố, cùng giai đoạn chuyển giao khi Paul Doumer đến Hà Nội năm 1897, đặt nền móng cho quá trình quy hoạch đô thị kiểu châu Âu và biến Hà Nội thành thủ phủ Liên bang Đông Dương.

Phần II gồm 35 bài viết về quá trình biến đổi Hà Nội từ khu Nhượng địa thành một “thành phố Pháp” (ville française), một “Paris thu nhỏ” (petit Paris) của chính quyền thực dân. Các bài viết được chia thành 8 mục nhỏ: khu nhượng địa, tổ chức hành chính, giao thông, phố phường, văn hóa - xã hội, giáo dục, bảo tồn di tích, và mở rộng thành phố.

Trong phần II của cuốn sách, diện mạo Hà Nội thời Pháp thuộc được tái hiện rõ nét với sự xuất hiện của tàu điện, xe kéo, phố Paul Bert (Tràng Tiền) không còn lều tranh (1/1888), nhà máy sản xuất nước đá được xây dựng (1891). Từ năm 1897, thành phố được rải đá mặt đường, làm vỉa hè, xây cống ngầm, hoàn thành hệ thống cung cấp điện và nước. Giai đoạn 1920-1945, Hà Nội được mở rộng về phía Nam, xuất hiện nhiều công trình tiêu biểu như Bảo tàng Louis Finot (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia), Sở Tài chính Đông Dương (Bộ Ngoại giao hiện tại) và Nhà thương René Robin (nay là Bệnh viện Bạch Mai).

Ở cuối sách, tác giả dành một phần phụ lục gồm Bảng tra tên đường, phố, quảng trường, vườn hoa ở Hà Nội trước và sau năm 1954, Lược dẫn tên các nhân vật người Pháp được đặt làm tên phố, quảng trường, vườn hoa và một số công trình ở Hà Nội trước năm 1954.

Cuốn sách “Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945)”  không chỉ là tài liệu tham khảo quan trọng cho các nhà nghiên cứu mà còn là nguồn tri thức quý báu cho những ai yêu mến Hà Nội. Tác phẩm giúp người đọc hiểu rõ hơn về quá trình đô thị hóa, sự giao thoa văn hóa Đông - Tây và những dấu ấn lịch sử còn lưu giữ đến ngày nay.

Sách được phục vụ tại Thư viện Hà Nội

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Số lượt xem: 17