GIỚI THIỆU CUỐN SÁCH “LỊCH SỬ CHỮ QUỐC NGỮ 1620 -1659”
25/12/2024
Cỡ chữ: A- A+
In bài viết
Để thực hiện công cuộc truyền đạo của họ tại Đại Việt, các giáo sĩ Dòng Tên ngay từ khoảng đầu thế kỷ thứ XVII đã cố gắng tạo nên một lối chữ viết căn cứ trên mẫu tự La Tinh, nhờ đó có thể diễn tả ngôn ngữ Việt. Từ những sự dò dẫm phiên âm các nhân danh và địa danh lúc ban đầu, cho đến lúc Đắc Lộ cho xuất bản hai sách Quốc ngữ đầu tiên vào năm 1651, các cố gắng tập thể của các nhà truyền đạo Tây phương cho phép thành lập chữ viết của chúng ta ngày nay.
L.m. Đỗ Quang Chính đã dựa trên các tài liệu để lại bởi chính các giáo sĩ nói trên để nghiên cứu giai đoạn hình thành của chữ Quốc ngữ này. Sự tiếp xúc sâu rộng của tác giả với các tài liệu đầu tay, được phân tích theo một phương pháp sử học chặt chẽ, đã khiến tác giả vạch lại một cách cặn kẽ sự biến chuyển của cách thức viết chữ Quốc ngữ trong tiền bán thế kỷ thứ XVII. Sự khám phá những tài liệu mới mẻ nhờ ở sự kiên nhẫn tìm tòi trong các văn khố và thư viện Âu châu cũng lại cho phép tác giả chứng minh với những bằng cứ cụ thể là đã có nhiều người góp sức vào việc sáng tác chữ Quốc ngữ, trong đó có cả sự góp sức của chính người Việt nữa.
“Lịch sử chữ Quốc ngữ (1620-1659)” chắc chắn là một sự đóng góp đáng kể cho ngành Ngữ học Việt Nam, đồng thời giúp cho nhiều thế hệ trẻ hiện nay biết, hiểu về lịch sử ra đời của ngôn ngữ mình đang sử dụng, từ đó yêu quý vốn từ của dân tộc mình.
Cuốn sách gồm 4 phần:
♦ Phần 1: Nhận xét của một số người Tây phương về tiếng Việt.
♦ Phần 2: Sơ lược giai đoạn hình thành chữ quốc ngữ.
♦ Phần 3: Linh mục Đắc Lộ soạn thảo chữ quốc ngữ đầutiên năm 1651.
♦ Phần 4: Tài liệu viết tay năm 1659 của hai người Việt Nam.
Cuốn sách “Lịch sử chữ Quốc ngữ (1620-1659)” của tác giả Đỗ Quang Chính; Nhà xuất bản Thế giới, 2023. Sách hiện đang phục vụ tại phòng Đọc và phòng Mượn - Thư viện Hà Nội.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!