GIỚI THIỆU CUỐN SÁCH “HÀ NỘI – PHONG TỤC, VĂN CHƯƠNG”
02/02/2025
Cỡ chữ: A- A+
In bài viết
![](/Upload/Cms/images/TinTuc/GioiThieuSach/PhongPhucVu/2025/T02/02-2%20Ha%20Noi%20van%20chuong.jpg)
Nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc cho đến nay đã giúp bạn đọc trong và ngoài nước hiểu và yêu thêm Hà Nội qua hơn 20 đầu sách từ năm 1962. Trong đó, “Hà Nội - phong tục, văn chương” (NXB Trẻ, 2010) là một tác phẩm tiêu biểu, khắc họa phong tục và văn chương Hà Nội qua hơn 400 trang chia làm hai phần.
Phần "Hà Nội phong tục" giới thiệu sự hình thành, vận hành và biến đổi phong tục Thăng Long - Hà Nội, từ lễ rằm tháng Giêng, tết Đoan Ngọ, tết Trung Thu đến tục thờ đá, thờ ngựa, chơi cây quất ngày tết... Qua đó, tác giả làm nổi bật nét thanh lịch đặc trưng của người Tràng An. Phần này còn tiết lộ dấu tích đình Nhà Trò, tục thờ tổ nghề Ca trù và cách người châu Âu nhìn về Kẻ Chợ đầu thế kỷ XVII.
Phần "Hà Nội văn chương" tôn vinh các giá trị văn học Thăng Long qua những chủ đề như "Hồ Tây và văn học", "Thăng Long trong thơ Nguyễn Du", hay bản dịch toàn bộ "La Thành cổ tích vịnh" của Trần Bá Lãm. Đặc biệt, bài luận "Thơ Quốc ngữ đầu thế kỷ XX" điểm lại sự hình thành thơ quốc ngữ ở Hà Nội với hai cây đại thụ là Tản Đà và Á Nam cùng bậc tài nữ là Tương Phố.
Cuốn sách được học giả An Chi ví như "dòng suối tư liệu, kiến thức và tình cảm," mang lại góc nhìn mới mẻ, giúp bạn đọc thêm yêu mảnh đất nghìn năm văn hiến.
Sách hiện được lưu trữ và phục vụ tại Thư viện Hà Nội.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!