GIỚI THIỆU CUỐN SÁCH “VIỆT NAM VĂN HÓA SỬ CƯƠNG”
06/08/2024
Cỡ chữ: A- A+
In bài viết
“Việt Nam văn hóa sử cương” là một tác phẩm tiêu biểu của học giả Đào Duy Anh, xuất bản lần đầu vào năm 1938. Cuốn sách không chỉ là một công trình nghiên cứu có sức ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa Việt, mà còn là hành trình khám phá và khẳng định giá trị lịch sử văn hóa của dân tộc Việt Nam qua các thời kỳ.
Được biên soạn trên tinh thần “văn hóa là sinh hoạt”, “Việt Nam văn hóa sử cương” đã khái quát các phương diện sinh hoạt về kinh tế, chính trị, xã hội và trí thức của văn hóa Việt qua dòng chảy bốn nghìn năm lịch sử, bắt đầu từ khi xuất hiện giống người Việt cổ, trải qua thời kỳ nội thuộc và tiếp nhận văn hóa Trung Hoa một cách sâu rộng cho tới giai đoạn du nhập văn hóa Âu tây. Tác giả không chỉ phác họa lược sử văn hóa của dân tộc mà còn chỉ ra sự biến đổi của văn hóa Việt Nam trong thời kỳ Âu hóa, khi những giá trị cũ rạn vỡ được thay thế bởi những giá trị mới.
Cuốn sách gồm 32 đề mục được chia thành 5 thiên:
1. Thiên thứ nhất: Tự luận.
2. Thiên thứ hai: Kinh tế sinh hoạt.
3. Thiên thứ ba: Xã hội và chính trị sinh hoạt.
4. Thiên thứ tư: Tri thức sinh hoạt.
5. Thiên thứ năm: Tổng luận.
“Việt Nam văn hóa sử cương” luôn được đánh giá là một trong những công trình đặt nền móng cho sự hình thành nền văn hóa học hiện đại Việt Nam, là kim chỉ nam cho nhiều công trình khảo cứu văn hóa sau này. Đây là tài liệu tham khảo hữu ích cho những độc giả quan tâm tìm hiểu văn hóa Việt, giúp độc giả hiểu rõ hơn về quá trình phát triển và biến đổi của văn hóa dân tộc qua các thời kỳ.
Ấn bản lần này do Công ty Cổ phần Văn hóa Đông Á và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm ấn hành, được biên tập dựa trên bản in năm 1938 và tham khảo bản in năm 1951. Sách được bổ sung phần Sách dẫn và 108 hình ảnh minh họa từ các nguồn tư liệu quý, giúp độc giả dễ dàng tra cứu và hình dung rõ hơn về nội dung.
Hy vọng cuốn sách sẽ là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho thế hệ trẻ trong việc kế thừa di sản văn hóa, nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống giữa bối cảnh hiện đại hóa và toàn cầu hóa.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!