Chuyển đổi số ngành Thư viện: Những cơ hội và thách thức
26/12/2024
Cỡ chữ: A- A+
In bài viết
Ngày 11/02/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 206/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó đặt ra mục tiêu: “Ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số, nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện và hình thành mạng lưới thư viện hiện đại; đảm bảo cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người sử dụng; thu hút đông đảo người dân quan tâm, sử dụng dịch vụ thư viện, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập”.
Bà Vương Thị Lý, Phó Giám đốc Thư viện Hà Nội cho biết, trong 8 nhiệm vụ, giải pháp tạo nền móng chuyển đổi số ngành Thư viện do Thủ tướng Chính phủ ban hành, Thư viện Hà Nội đã và đang thực hiện một số nội dung: Nâng cao nhận thức, tăng cường tuyên truyền tới các cấp lãnh đạo, đơn vị chủ quản về thư viện từ cấp thành phố tới cấp xã; Tham mưu cho đơn vị chủ quản về hoàn thiện cơ chế, chính sách và các quy định của pháp luật về chuyển đổi số; Hoàn thiện và phát triển hạ tầng số của ngành thư viện như: hạ tầng mạng, phần mềm; Phát triển dữ liệu số ngành thư viện; Xây dựng và phát triển nền tảng số; Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và Đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
"Mục tiêu phấn đấu của Thư viện Hà Nội giai đoạn 2026 - 2030 là tiếp tục triển khai, đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số, dữ liệu số ngành thư viện ở giai đoạn 2021 - 2025; Triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình, chuẩn bị thực hiện liên thông trong hệ thống thư viện cấp huyện của Hà Nội, hướng tới cung ứng hiệu quả dịch vụ cho người sử dụng thư viện phù hợp với yêu cầu của tình hình mới". Bà Vương Thị Lý cho biết.
"Năm 2025, Thư viện Hà Nội sẽ tiếp tục hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, triển khai liên thông, chia sẻ tài nguyên và sản phẩm thông tin thư viện theo chức năng, nhiệm vụ, văn bản hợp tác; 60% tài liệu cổ, quý hiếm và bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, địa lý, giáo dục… của Hà Nội; 100% người làm công tác thư viện được đào tạo và đào tạo lại, cập nhật các kiến thức, kỹ năng vận hành thư viện hiện đại do các chuyên gia đào tạo ngành thư viện trong nước và quốc tế hướng dẫn. |
Bà Vương Thị Lý – Phó Giám đốc Thư viện Hà Nội (thứ 2 từ phải sang) trao đổi tại phòng thu trực tiếp VOV2
Cũng theo bà Vương Thị Lý, mặc dù công tác chuyển đổi số đã có nhiều thành tựu, nhiều cơ hội, song hiện nay Thư viện Hà Nội cũng như đa số các thư viện trong hệ thống thư viện tỉnh, thành tại việt Nam đang phải đối diện với một số khó khăn, thách thức nhất định. Đó là những khó khăn về hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị hiện đại, phần mềm, hệ thống bảo mật, an toàn thông tin, nguồn tài nguyên thông tin số... ảnh hưởng đến khả năng tích hợp, liên thông, chia sẻ tài nguyên thông tin dùng chung trong hệ thống thư viện công cộng.
Bên cạnh đó là những khó khăn, bất cập trong vấn đề bản quyền theo Luật sở hữu trí tuệ và quyền tác giả; thiết bị số hóa; nhân lực; kinh phí… ảnh hưởng lớn đến việc đáp ứng nhu cầu bạn đọc trong xu thế phát triển chung của hoạt động thư viện.
Bạn đọc tự mượn và trả sách tại Thư viện Hà Nội. Ảnh: Thư viện Hà Nội
Để thực hiện các định hướng của Chính phủ trong chuyển đổi số thư viện, vấn đề đầu tiên của ngành thư viện đó là giải quyết thấu đáo việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong chuyển đổi số thư viện. Điều này đã được Thư viện Hà Nội đặc biệt quan tâm bởi nhiều hoạt động liên quan đến quyền tác giả (bao hàm cả quyền tác giả và quyền liên quan) như sao chụp tài liệu, số hoá tài liệu, mượn liên thư viện... Tuy nhiên, để việc số hóa thư viện được thuận lợi, rất cần một hành lang pháp lý phù hợp để triển khai. Theo đó, mục đích của số hóa tư liệu phải bảo đảm hài hòa quyền lợi của chủ sở hữu quyền tác giả gắn với quyền tiếp cận thông tin của cộng đồng.
"Giải pháp khả thi hiện nay là các thư viện cần nỗ lực trong đa dạng hóa nguồn tài liệu số để cung cấp đến bạn đọc bằng cách hợp tác, chia sẻ dữ liệu hoặc thay vì mua bản cứng có thể mua bản mềm tài liệu sẽ dễ dàng hơn cho việc hình thành cơ sở dữ liệu số. Bên cạnh đó, những quy định của pháp luật về sao chép tác phẩm của nước ta đã hạn chế rất nhiều chức năng xã hội của thư viện, đã đi sau nhiều nước trên thế giới và lạc hậu so với chủ trương phát triển hiện nay của Nhà nước ta. Vì thế, các quy định này cần phải sớm được sửa đổi, bổ sung để việc chuyển đổi số thư viện đảm bảo phục vụ bạn đọc đạt hiệu quả", bà Vương Thị Lý nêu kiến nghị.
Chuyển đổi số là một nhiệm vụ cấp thiết của các thư viện nhằm cải thiện quy trình, giảm thiểu thời gian, công sức làm việc cho cán bộ và đặc biệt là mang lại sự tiện lợi và nhiều dịch vụ tiện ích cho người dùng tin trong việc tìm kiếm và khai thác tài nguyên thông tin. Tuy nhiên, để làm được điều này, cán bộ thư viện - những người được coi là “linh hồn” của thư viện cũng cần có những thay đổi để đáp ứng với yêu cầu của thời kỳ mới. Do vậy, cán bộ thư viện phải luôn chủ động tham gia và không ngừng học tập, tham gia các lớp tập huấn các khóa đào tào, đào tạo lại, cập nhật kiến thức công nghệ mới, tiên tiến đang được áp dụng vào hoạt động thư viện trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, cán bộ thư viện cần trau dồi các kỹ năng mềm, thiết yếu như: kỹ năng thuyết trình, đàm phán, kỹ năng tổ chức sự kiện, kỹ năng làm việc nhóm và làm việc độc lập, kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, kỹ năng tiếp nhận và xử lý thông tin, kỹ năng chia sẻ và hợp tác với đồng nghiệp và bạn đọc được tốt hơn trong thời đại mới công nghệ 4.0.
Thanh Huyền
Nguồn: https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/chuyen-doi-so-nganh-thu-vien-nhung-co-hoi-va-thach-thuc-51355.vov2