Những kết quả tích cực trong thi hành Luật Thư viện
21/11/2024
Cỡ chữ: A- A+
In bài viết
Thực hiện Luật Thư viện số 46/2019/QH14; Nghị định số 93/2020/NĐ-CP ngày 5/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thư viện, Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 226/KH-UBND ngày 19/11/2020 về việc triển khai Luật Thư viện và văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thư viện.
Để triển khai thực hiện Luật Thư viện trong công tác của hệ thống thư viện công cộng Hà Nội, căn cứ các văn bản chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND Thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao, Thư viện Hà Nội đã bám sát nội dung Luật Thư viện và các văn bản dưới Luật để triển khai các nhiệm vụ cụ thể của thư viện công cộng tới toàn hệ thống thông qua các hội nghị, hội thảo chuyên môn của đơn vị và các chương trình tập huấn có sự tham gia của đại diện lãnh đạo đơn vị chủ quản và cán bộ thư viện cấp huyện; đại diện chính quyền cấp xã, cán bộ phụ trách văn hóa và người làm công tác thư viện cấp xã nhằm đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả trong việc thực thi Luật.
Không gian phòng đọc mở tại Thư viện Hà Nội
Sở Văn hóa và Thể thao chỉ đạo Thư viện Hà Nội tuân thủ Luật Thư viện đảm bảo hiệu quả trong điều kiện nội sinh của mình, kết hợp với sự hỗ trợ, tài trợ, phối hợp của các tổ chức quốc tế, các ban, ngành, đoàn thể và công tác xã hội hóa thư viện nên công tác tổ chức thi thành Luật Thư viện đạt những kết quả tích cực.
Về hoạt động phát triển thư viện: Thư viện Hà Nội đã kiện toàn, củng cố hệ thống thư viện; phát triển tài nguyên thông tin, xây dựng và phát huy giá trị các bộ sưu tập tài liệu cổ, quý hiếm, các bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học. Nguồn kinh phí bổ sung sách hàng năm của Thư viện Thành phố tăng 19% so với trước khi Luật được ban hành; số lượng tài nguyên thông tin bổ sung từ khi thi hành Luật Thư viện là 13.152 tên sách, bình quân tăng khoảng 20 nghìn bản/năm; 395 loại báo, tạp chí; 59.274 trang sách chữ nổi Brai; 558 đĩa CD…
Hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc
Thư viện Hà Nội thường xuyên nắm bắt nhu cầu tra cứu, khai thác, sử dụng tài nguyên thông tin của bạn đọc để xây dựng chính sách bổ sung thành phần vốn tài liệu đảm bảo số lượng, chất lượng nội dung, hình thức phù hợp với từng lứa tuổi và đối tượng bạn đọc.
29/29 thư viện cấp huyện xử lý tài liệu theo chuẩn nghiệp vụ thư viện cấp huyện. Đa số các thư viện cấp huyện hiện duy trì song song 2 hệ thống tra cứu thông tin truyền thống và hiện đại.
Thư viện cấp xã, phòng đọc cơ sở xử lý tài liệu theo hướng dẫn nghiệp vụ thư viện, phòng đọc sách cơ sở. Phục vụ bạn đọc tra cứu thông qua danh mục sách có tại thư viện.
Về phát triển văn hóa đọc: Thư viện Hà Nội không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng phục vụ, nhằm xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong người dân Thủ đô. Với chính sách miễn phí sử dụng thư viện của Thành phố cùng với việc nâng cấp tổ hợp không gian văn hóa mở, hiện đại, sáng tạo; nâng cao kỹ năng phục vụ bạn đọc của thủ thư từ kỹ năng cứng về chuyên môn nghiệp vụ, đến kỹ năng mềm về ứng xử… Thư viện Hà Nội đáp ứng phục vụ bạn đọc trong xu thế toàn cầu hóa, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển mình từ thư viện truyền thống sang hiện đại, mang lại nhiều tiện ích, nâng cao chất lượng phục vụ, thu hút ngày càng đông bạn đọc yêu thích và đến sử dụng thư viện.
Trưng bày sách, báo
Thư viện Hà Nội cung cấp các dịch vụ tiện ích cho bạn đọc như đăng ký thẻ trực tuyến, đăng ký mượn sách online, dịch vụ gia hạn sách trực tuyến cho bạn đọc trên phần mềm ứng dụng. Các dịch vụ phù hợp với xu thế ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong hoạt động thư viện hiện nay, đồng thời đảm bảo cho các hoạt động chuyên môn và công tác phục vụ nhu cầu đọc, khai thác, sử dụng thư viện của người dân.
Thư viện xây dựng, biên soạn 20 thư mục chuyên đề với các đề tài đa dạng từ lịch sử địa phương, văn hoá đến danh nhân và sự kiện lịch sử, góp phần giáo dục lịch sử, truyền thống và giới thiệu tư liệu tại Thư viện Hà Nội cũng như các thư viện, trung tâm thông tin tư liệu lớn trên địa bàn Thủ đô. Tổ chức 33 cuộc trưng bày lớn, bao gồm triển lãm sách, báo và cuộc thi trực tuyến tìm hiểu lịch sử, văn hóa. Các sự kiện thu hút sự tham gia của nhiều độc giả, đặc biệt là giới trẻ, giúp lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.
Thư viện cấp huyện hầu hết đều tổ chức kho sách và phục vụ theo hình thức kho mở (kho tự chọn). Một số thư viện đã tổ chức các phòng phục vụ riêng biệt, theo đối tượng bạn đọc, hoặc theo loại hình tài liệu. Các thư viện phục vụ kết hợp đọc tại chỗ và cho mượn về nhà, đây cũng là hình thức tổ chức kho và phương thức phục vụ phù hợp với điều kiện trụ sở, cán bộ thư viện và số lượng vốn tài liệu còn hạn chế như hiện nay.
Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc
Từ năm 2020 đến nay, UBND thành phố Hà Nội hợp tác quốc tế với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc tài trợ cho Thư viện Hà Nội thực hiện 2 dự án: Dự án Dream Plus Library và Dự án “Tái tạo thư viện công cộng giai đoạn 2021 – 2022”. Sau khi dự án đi vào hoạt động, với cơ sở vật chất cùng trang thiết bị hiện đại, không gian phục vụ bạn đọc mở và thân thiện, phục vụ đa dạng đã thu hút ngày càng đông bạn đọc đến khai thác sử dụng thư viện. Dự án cũng tạo bước tiến mới cho Thư viện Hà Nội trong việc đáp ứng văn hóa đọc trong xu thế toàn cầu hóa, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển mình từ thư viện truyền thống sang hiện đại, mang lại nhiều tiện ích, nâng cao chất lượng dịch vụ của thư viện.
Thư viện Hà Nội trở thành điểm đến lý tưởng của bạn đọc Thủ đô
Thư viện tăng cường các hình thức quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu sách mới, thư mục chuyên đề, tích hợp các tiện ích đăng ký thẻ trực tuyến, gia hạn sách phục vụ bạn đọc trên không gian mạng qua website và fanpage tại Thư viện Hà Nội tăng rõ rệt: Năm 2019, lượt phục vụ bạn đọc là 512.491, lượt tài liệu là 225.624; năm 2022, lượt phục vụ bạn đọc là 1.878.885, lượt tài liệu là 2.818.327; năm 2024, lượt phục vụ bạn đọc là 2.885.090, lượt tài liệu là 5.770.180.
20/29 thư viện cấp huyện đã ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác nghiệp vụ thư viện: 17 thư viện sử dụng phần mềm Quản lý thư viện (ISIS); 2 thư viện sử dụng phần mềm INPOLIB, 1 thư viện sử dụng phần mềm VIETBIBLIO.
Về phát triển văn hóa đọc: Hàng năm, Thư viện Thành phố tổ chức Tuần lễ sách và Văn hóa đọc hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tại Thư viện Hà Nội. Hoạt động đã thu hút hàng nghìn các em học sinh, sinh viên, thiếu niên nhi đồng và bạn đọc thư viện. Tổ chức Hội thi Thiếu nhi Thủ đô tuyên truyền giới thiệu sách hàng năm. Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc thành phố Hà Nội lần thứ I, II, III, IV…
Đặc biệt năm 2024, hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), Cuộc thi Đại sứ Văn hoá đọc thành phố Hà Nội lần thứ IV với chủ đề “Phát huy hào khí Thăng Long Hà Nội, xây dựng Thủ đô Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” được tổ chức thu hút hàng nghìn học sinh tham gia, góp phần giới thiệu nguồn tư liệu, tài liệu phong phú về Thủ đô Hà Nội hiện đang có tại các thư viện trên toàn thành phố, tạo nên phong trào đọc sách và phát triển văn hóa đọc rộng khắp trên địa bàn thành phố. Lần đầu tiên Cuộc thi “Gia đình đọc sách – phát triển tủ sách gia đình kết nối yêu thương” được tổ chức với hình thức xây dựng video clip. Có 22/30 quận, huyện, thị xã tham gia với số lượng 74 video clip tham gia dự thi.
Đối với phục vụ các hoạt động ngoài thư viện: Trung bình mỗi năm, Thư viện phối hợp luân chuyển 2 đợt/năm đến 130 điểm với số vốn tài liệu luân chuyển gần 30.000 bản sách, phục vụ trên 700.000 lượt bạn đọc, gần 2.000.000 lượt tài liệu; phục vụ thư viện lưu động tại các điểm trường tiểu học, trung học cơ sở tại các huyện ngoại thành Hà Nội và tại các công viên, vườn hoa thuộc các quận nội thành Hà Nội, đã thu hút hàng chục ngàn người dân Thủ đô đến tham gia và đọc sách.
Hoạt động luân chuyển vốn tài liệu
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình tổ chức thực hiện Luật Thư viện cũng có một số hạn chế: Địa bàn thành phố rộng, một số huyện ngoại thành ở xa trung tâm như Mỹ Đức, Ba Vì nên ảnh hưởng đến việc phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện Luật Thư viện và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thư viện cũng như các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ trong hệ thống thư viện công cộng trong toàn thành phố.
Thư viện Hà Nội chưa đủ các trang thiết bị hiện đại để phát triển thư viện số và hiện đại hóa thư viện; chưa có phương tiện chuyên dụng cho công tác phục vụ thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin xuống các quận, huyện, thị xã.
Hoạt động của mạng lưới thư viện cấp huyện, cấp xã, thư viện cộng đồng còn gặp những vấn đề khó khăn, cần được các cấp chính quyền quan tâm đầu tư.
Để tăng cường hiệu lực và tổ chức thi hành có hiệu quả Luật Thư viện, Thư viện Hà Nội đề ra các giải pháp: Tăng cường các hoạt động truyền thông quảng bá về Luật Thư viện 2019 và các hoạt động thư viện trên địa bàn thành phố nhằm thu hút sự quan tâm, tham gia của các cấp, các ngành, của các tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân Thủ đô.
Tăng cường đầu tư kinh phí, nhân lực cho hoạt động phát triển văn hóa đọc của hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn, nhất là thư viện cấp huyện, cấp xã và tủ sách cơ sở. Đảm bảo hàng năm 100% thư viện cấp huyện và cấp xã được cấp kinh phí hoạt động, có nguồn kinh phí bổ sung vốn tài liệu ổn định.
Phối kết hợp thường xuyên với các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã và các đơn vị liên quan trong hoạt động thư viện… tổ chức các hoạt động phát triển văn hoá đọc để dần hình thành thói quen đọc sách đến mọi tầng lớp Nhân dân.
Khuyến khích phát triển các mô hình thư viện cộng đồng, tủ sách lưu động và các không gian đọc đa dạng để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân.
Đổi mới hoạt động của thư viện, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ thông tin của thư viện; tham gia các tổ chức trong nước và quốc tế nhằm trao đổi tài liệu và liên thông với các thư viện để tăng cường nguồn tài liệu số…
Thảo Nhi
Nguồn: https://sovhtt.hanoi.gov.vn/nhung-ket-qua-tich-cuc-trong-thi-hanh-luat-thu-vien/