THƯ VIỆN HÀ NỘI – MỘT CHẶNG ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN
Ngày 15/10/1956 tại nhà Thủy Tạ bên hồ Hoàn Kiếm, Thư viện Hà Nội ra đời với tên gọi ban đầu là Phòng đọc sách nhân dân. Từ xuất phát điểm đó, ba năm sau, Thư viện nhân dân Hà Nội chính thức được thành lập vào tháng 1/1959 và chuyển về trụ sở 47 phố Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm cho đến ngày nay.
Tháng 8/2008, Thư viện Hà Nội khánh thành trụ sở xây mới với kiến trúc bề thế, ấn tượng của hai khối nhà cao 8 tầng có tổng diện tích sàn 6178 m2 mô phỏng hình ảnh trang sách mở như ôm lấy dòng chảy vô tận của tri thức nhân loại. Đây cũng là một trong những công trình văn hóa chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Đến tháng 2/2009, sau khi hợp nhất với Thư viện tỉnh Hà Tây, Thư viện Hà Nội có thêm một trụ sở tại số 2B đường Quang Trung, quận Hà Đông với tòa nhà 3 tầng thiết kế theo hình dải lụa có tổng diện tích sàn 2029 m2.
Hiện nay, với 7 phòng chức năng: Hành chính - Tổng hợp, Bổ sung và Xử lý kỹ thuật, Phục vụ bạn đọc, Địa chí và Thông tin tra cứu, Phòng Nghiệp vụ và Phong trào cơ sở, Tin học, Phục vụ Thiếu nhi, Thư viện Hà Nội cung cấp cho độc giả hơn 65 vạn tài liệu; trong đó có 395 đầu báo, tạp chí và khoảng 2 vạn tài liệu địa chí Hà Nội với nhiều loại hình (bản đồ, văn bia, thần tích, thần sắc, hương ước…), cùng 5 CSDL thư mục và CSDL dữ kiện với hàng trăm nghìn biểu ghi.
Để đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc Thủ đô, Thư viện đã không ngừng đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng phục vụ: đơn giản thủ tục làm thẻ; mở rộng hệ thống các phòng phục vụ: phòng thiếu nhi, phòng đọc báo tạp chí, phòng mượn, phòng đọc tự chọn, phòng đọc theo yêu cầu, phòng đọc sách ngoại văn, phòng đọc dành cho người khiếm thị, phòng đọc tài liệu về Hà Nội, phòng đọc đa phương tiện… Thời gian mở cửa phục vụ bạn đọc từ 8h - 17h hàng ngày (không nghỉ trưa).
Bên cạnh nâng cao chất lượng phục vụ, Thư viện Hà Nội còn đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền triển lãm, nói chuyện giới thiệu sách cùng nhiều các hoạt động khác nhằm thu hút bạn đọc đến sử dụng thư viện, đồng thời giúp bạn đọc lựa chọn những cuốn sách bổ ích và phù hợp.
Với định hướng phát triển thư viện trở thành thư viện hiện đại, bằng kinh phí nhà nước và nguồn xã hội hóa, Thư viện Hà Nội đã đầu tư trang bị phần mềm quản lý thư viện LIBOL 6.0; phần mềm sản xuất sách nói cho người khiếm thị Daisy; cùng hệ thống máy tính, máy scan, máy in laze, máy photo… Toàn bộ phòng đọc được trang bị máy điều hòa, kho sách có máy hút bụi, chống ẩm. Đặc biệt, Thư viện Hà Nội còn đầu tư xây dựng một Studio chuyên dụng sản xuất sách nói cho người khiếm thị.
Góp phần thực hiện tốt chủ trương xây dựng “xã hội học tập suốt đời”, đưa văn hóa về cơ sở của Đảng, Nhà nước và Thành phố, Thư viện Hà Nội còn thực hiện chức năng hướng dẫn nghiệp vụ và xây dựng mạng lưới thư viện cơ sở cho 29 thư viện quận – huyện; 58 thư viện cấp xã - phường; 1.095 thư viện, tủ sách tại các cụm dân cư, thôn, làng.
Là thành viên của Liên hiệp Thư viện Đồng bằng sông Hồng, Thư viện Hà Nội luôn phát huy tinh thần hợp tác, chia sẻ trao đổi thông tin, kinh nghiệm để cùng nhau phát triển, góp phần vào sự phát triển chung của hệ thống thư viện công cộng.
Trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, sự phát triển của Thư viện Hà Nội luôn gắn liền với sự phát triển của văn hóa, chính trị, kinh tế Thủ đô. Thư viện đã trở thành một địa chỉ văn hóa quen thuộc và để lại dấu ấn tốt đẹp trong ký ức của nhiều thế hệ người Hà Nội.
Ghi nhận kết quả hoạt động đối với sự phát triển chung của Thủ đô, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như UBND Tp. Hà Nội đã trao cờ, bằng khen cho Thư viện Hà Nội trong nhiều năm liền. Năm 2006, Thư viện Hà Nội vinh dự được nhận Huân chương Độc lập Hạng 3 do Chủ tịch nước trao tặng. Cùng với sự yêu mến, tin tưởng của độc giả, những phần thưởng này có ý nghĩa khích lệ hết sức to lớn, giúp tập thể cán bộ, nhân viên Thư viện Hà Nội luôn có động lực vượt qua mọi khó khăn để đưa Thư viện phát triển ngày càng vững mạnh, xứng tầm là Thư viện trung tâm của mảnh đất Rồng thiêng ngàn năm văn hiến.