Thứ hai, Ngày: 09/12/2024

HNCDTLVGYCDTTCVN - HỘI NGHỊ CHUYÊN ĐỀ: THẢO LUẬN VÀ GÓP Ý CHO DỰ THẢO TCVN: HOẠT ĐỘNG THƯ VIỆN –THUẬT NGỮ VÀ ĐỊNH NGHĨA

Trích dẫn: 

Hội nghị chuyên đề:

THẢO LUẬN VÀ GÓP Ý CHO DỰ THẢO

TCVN: HOẠT ĐỘNG THƯ VIỆN –THUẬT NGỮ VÀ ĐỊNH NGHĨA.

PHẦN I. NHỮNG THUẬT NGỮ CƠ BẢN

Ngọc Nguyên tổng hợp

 

Tiêu chuẩn hóa đã thành một xu thế, một yêu cầu đặt ra đối với hoạt động thư viện, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa, đẩy mạnh hội nhập quốc tế và ứng dụng công thông thông tin hiện nay.

Việc áp dụng các tiêu chuẩn – nói cách khác là chuẩn hóa đối với hoạt động thư viện góp phần:

- Nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng hoạt động thư viện.

- Đảm bảo sự thống nhất trong hoạt động thư viện, đảm bảo việc phục vụ người dùng tin có hiệu quả.

- Đảm bảo và hoàn thiện việc tổ chức quản lý hoạt động thư viện.

- Đảm bảo sự hợp lý hóa trong hoạt động thư viện, nâng cao chất lượng và năng suất lao động của cán bộ thư viện.

- Giúp cho các thư viện có thể tăng cường việc hợp tác chia sẻ nguồn lực thông tin.

Việc xây dựng Tiêu chuẩn Việt Nam về hoạt động thư viện mới chỉ được bắt đầu vào những năm 80 của đầu thế kỷ XX. Nội dung các tiêu chuẩn về thư viện nằm trong nhóm ngành thông tin – tư liệu. Ban kỹ thuật TCVN 46: Thông tin – tư liệu được thành lập từ năm 2004. Tính đến nay có 13 TCVN liên quan đến thư viện được ban hành và 3 dự án TCQGVN đang được xây dựng. Trong 13 TCVN được ban hành có 1 TC về thuật ngữ, 9 TC về Biên mục, xử lý tài liệu; 1TC về sản phẩm trong thư viện và 2 TC liên quan đến công tác thư viện. Tuy vậy, một thực trạng đáng lưu ý:

- Rất ít thư viện và cán bộ thư viện biết đến bộ TC này; kể cả trong các chương trình đào tạo ngành thư viện cũng chưa có môn học nào đề cập đến các bộ TCVN về thông tin – tư liệu.

- Số lượng các đối tượng cần được tiêu chuẩn hóa là rất lớn (thuật ngữ, quy trình công nghệ, sản phẩm – dịch vụ thư viện, trang thiết bị…), trong khi đó số lượng TCVN lĩnh vực thông tin – thư viện còn ít. Có những TC đã ban hành từ lâu chưa được chỉnh sửa (TCVN 4743: 1989 Xử lý thông tin – mô tả tài liệu), nhiều vấn đề không còn phù hợp với thực tế phát triển của hoạt động thư viện hiện nay.

Trước yêu cầu thực tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được nhà nước giao biên soạn các tiêu chuẩn cho các lĩnh vực do Bộ quản lý. Đối với hoạt động thư viện, Bộ giao cho Thư viện Quốc gia biên soạn Bộ Tiêu chuẩn về thuật ngữ và định nghĩa.

Theo quy trình biên soạn tiêu chuẩn, sau khi biên soạn dự thảo, Thư viện Quốc gia trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ đã gửi phiếu lấy ý kiến và tổ chức Hội thảo chuyên đề:

“THẢO LUẬN VÀ GÓP Ý CHO DỰ THẢO TCVN: HOẠT ĐỘNG THƯ VIỆN – THUẬT NGỮ VÀ ĐỊNH NGHĨA. P.I: NHỮNG THUẬT NGỮ CƠ BẢN”, với những nội dung thảo luận cụ thể:

- Sự cần thiết của việc tiêu chuẩn hóa hoạt động thư viện.

- Hiện trạng xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia trong hoạt động thư viện ở nước ta

- Hướng phát triển của việc tiêu chuẩn hóa hoạt động thư viện ở Việt Nam

- Góp ý thảo luận về các thuật ngữ và định nghĩa trong Dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia “Hoạt động Thư viện: thuật ngữ và định nghĩa. P.I. Những thuật ngữ cơ bản”.

Các thành viên tham dự hội thảo hoàn toàn nhất trí về tính cấp thiết của việc xây dựng TCVN về hoạt động thư viện; Thống nhất với cấu trúc của Bộ tiêu chuẩn dự thảo. Về nội dung các thuật ngữ (số lượng, thành phần các thuật ngữ và nội dung giải thích), các thành viên đã đưa ra những ý kiến đóng góp cho bản Dự thảo một cách nghiêm túc, thẳng thắn, cụ thể trên tinh thần xây dựng.

Hy vọng với tinh thần trách nhiệm, với quy trình biên soạn khoa học, Ban Biên soạn TCVN về thư viện sẽ sớm hoàn thành Bộ Tiêu chuẩn Việt Nam về thư viện để Bộ tiêu chuẩn được công bố và áp dụng, góp phần vào thúc đẩy sự nghiệp thư viện Việt Nam phát triển, đáp ứng lòng mong mỏi của những cán bộ thư viện Việt Nam.